Trào ngược dạ dày – thực quản

Bạn thân mến,

Bạn đang cảm thấy nóng rát, khó chịu ở vùng thượng vị, có thể lên tận cổ họng? Bạn thường xuyên bị ợ chua, buồn nôn, nôn, khó nuốt sau khi ăn hoặc khi nằm xuống? Nếu vậy thì có thể bạn đang mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản.,

Mời bạn đọc bài viết “ Trào ngược dạ dày thực quản ” được các bác sĩ của Doctor Check đơn giản hoá dành riêng cho bạn.,

1. Trào ngược dạ dày thực quản là gì?

Trào ngược dạ dày thực quản là hiện tượng dịch dạ dày (bao gồm thức ăn, men tiêu hóa, axit và hơi…) trào ngược lên thực quản. Điều này gây kích ứng niêm mạc thực quản và dẫn đến cảm giác ợ nóng, ợ trớ, khiến bạn cảm thấy khó chịu.

2. Nguyên nhân nào khiến bạn trào ngược dạ dày thực quản

Nguyên nhân trào ngược dạ dày là do cơ thắt thực quản dưới (cơ LES) bị suy yếu nên không đóng kín. Điều này tạo cơ hội cho thức ăn chưa tiêu hóa cùng axit dạ dày trào ngược trở lên thực quản, gây viêm, làm tổn thương niêm mạc ở vùng này.
Do đó, bất kỳ các yếu tố nào tác động lên khả năng co thắt của cơ LES đều làm tăng nguy cơ khiến bạn bị trào ngược dạ dày – thực quản:

Chế độ ăn uống không lành mạnh: Ăn quá no trước khi ngủ, lạm dụng rượu bia, ăn nhiều thực phẩm có tính axit hoặc giàu chất béo.

Hút thuốc lá: Hút thuốc lá làm giảm áp lực cơ vòng thực quản dưới (LES), tăng tiết axit dạ dày và có thể trào ngược lên thực quản.

Stress/căng thẳng: Khi bạn rơi vào trạng thái căng thẳng thường xuyên sẽ làm tăng axit trong dạ dày.

Thừa cân, béo phì: Cân nặng dư thừa tạo áp lực lên bụng và cơ thắt thực quản, làm tăng nguy cơ trào ngược.

Tiền sử bệnh lý : Các bệnh viêm dạng thấp, xơ cứng bì, thoát vị hoành, liệt dạ dày làm tăng nguy cơ mất trương lực ở cơ thắt thực quản dẫn đến tình trạng trào ngược dạ dày thực quản.

Tác dụng phụ của thuốc: Một số loại thuốc như kháng Histamine, thuốc chống trầm cảm, hoặc thuốc chẹn canxi có thể gây suy yếu cơ LES

Phụ nữ trong thai kỳ: Sự thay đổi hormone trong thai kỳ có thể ảnh hưởng đến nhu động dạ dày và khiến cơ LES giãn ra, gây trào ngược.

 3. Những triệu chứng nào thường gặp khi bạn bị trào ngược dạ dày thực quản?

Các triệu chứng bạn có thể gặp khi trào ngược dạ dày bao gồm:

  • Ợ nóng
  • Ợ trớ
  • Buồn nôn, nôn
  • Khó nuốt, nuốt vướng
  • Hôi miệng, đắng miệng
  • Đau bụng trên rốn
  • Đau tức ngực không do bệnh tim
  • Ho kéo dài
  • Khó thở không do hen suyễn

4. Làm thế nào để chẩn đoán chính xác bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản?

Khám lâm sàng

Bác sĩ sẽ hỏi chi tiết về tình trạng triệu chứng cũng như tiền sử bệnh lý của bạn và gia đình. Thăm khám toàn thân cũng là bước quan trọng để định hướng các nguyên nhân, từ đó chỉ định các cận lâm sàng cần thiết trong quá trình chẩn đoán bệnh.

Cận lâm sàng

Kiểm tra độ pH: Kiểm tra PH 24 giờ giúp bác sĩ đo được nồng độ axit bên trong thực quản
Đo áp lực thực quản: Đo áp lực thực quản là đo các cơn co thắt trong thực quản khi người bệnh nuốt. Cận lâm sàng này được sử dụng để đánh giá nhu động thực quản trước khi điều trị phẫu thuật.
Chụp X-quang: Chụp X – quang là một phương tiện để quan sát hình ảnh toàn bộ thực quản, dạ dày và tá tràng. Phương pháp này hạn chế về khả năng chẩn đoán bệnh trào ngược dạ dày nhưng giúp loại trừ các tình trạng bệnh lý khác như viêm, loét dạ dày tá tràng.
Chụp X-quang cản quang: Chụp X – quang cản quang là kỹ thuật sử dụng chất tương phản bari để phủ lên niêm mạc dạ dày – thực quản, giúp phát hiện các vết loét thực quản và hẹp thực quản. Tuy nhiên, chụp X-quang cản quang không hiệu quả để phát hiện bệnh trào ngược dạ dày ở mức độ nhẹ và vừa.
Nội soi dạ dày
Để chẩn đoán chính xác bệnh trào ngược dạ dày, nội soi là phương pháp hiệu quả dành cho bạn. Thông qua camera, Bác sĩ sẽ quan sát được các tổn thương ở niêm mạc thực quản hoặc tình trạng nếp van dạ dày – thực quản không đóng kín. Từ đây, Bác sĩ đánh giá rõ tình trạng trào ngược, hỗ trợ quá trình điều trị sau này.
Ngoài ra, nội soi phối hợp sinh thiết làm giải phẫu bệnh ở những vùng bất thường. Từ đó, có thể hỗ trợ phát hiện sớm dấu hiệu bệnh thực quản Barrett.

5. Khi nội soi dạ dày, tổn thương nào phải tìm ra để chẩn đoán chính xác bạn đang bị trào ngược dạ dày thực quản?

6. Những biến chứng bạn có thể gặp khi trào ngược dạ dày thực quản lâu dài?

Biến chứng trào ngược dạ dày sẽ trở nên nghiêm trọng nếu bạn chủ quan và không được điều trị kịp thời. Nguyên nhân là do niêm mạc của thực quản không có cơ chế tiết chất nhầy như niêm mạc dạ dày, nên khi tiếp xúc phải axit, chúng sẽ bị tổn thương.

Các biến chứng trào ngược dạ dày thường gặp ở ống thực quản:

· Viêm thực quản: Niêm mạc thực quản bị tổn thương do tiếp xúc với axit.
· Loét thực quản: Các vết loét xuất hiện do tác động của axit dạ dày.
· Hẹp thực quản: xuất hiện các mô sẹo gây hẹp đường thực quản.
· Barret thực quản: tình trạng niêm mạc thực quản thay đổi, có thể dẫn đến ung thư thực quản.
· Ung thư thực quản: nếu không được điều trị, trào ngược có thể dẫn đến ung thư thực quản.


7. Cách điều trị và phòng ngừa bệnh trào ngược dạ dày thực quản?

Sử dụng thuốc điều trị bệnh trào ngược dạ dày

Một số thuốc trào ngược dạ dày sẽ được bác sĩ tiêu hóa kê đơn:

  • Thuốc ức chế bơm proton (PPI)
  • Thuốc kháng histamin H2
  • Thuốc trung hòa axit dạ dày (antacid)
  • Thuốc điều hoà nhu động (prokinetic)

Thay đổi thói quen ăn uống

  • Bạn nên chọn các thực phẩm thực phẩm dễ tiêu như bột yến mạch, thịt nạc, rau củ, các loại đậu..
  • Nên ăn sữa chua vì trong sữa chua chứa rất nhiều lợi khuẩn, giúp quá trình tiêu hóa diễn ra nhanh hơn, tạo cảm giác ngon miệng. Một lưu ý nhỏ là bạn không nên dùng sữa chua khi đói bụng.
  • Hạn chế sử dụng thực phẩm và đồ uống nhiều chất béo, sô-cô-la, caffeine, đồ uống có cồn, kể cả trái cây và nước trái cây họ cam quýt, các sản phẩm cà chua và hạt tiêu.
  • Chia nhỏ các bữa ăn và ăn chậm, nhai kỹ.

Thay đổi thói quen sinh hoạt

  • Thư giãn, giảm căng thẳng.
  • Nâng đầu giường khoảng 15 cm để giúp giảm trào ngược khi ngủ.
  • Tránh nằm ngay sau khi ăn và giữ cân nặng hợp lý.
  • Ngừng hút thuốc lá và mặc quần áo rộng rãi.

Phẫu thuật điều trị bệnh trào ngược dạ dày

Nếu các triệu chứng của bạn quá nghiêm trọng, bạn sẽ được bác sĩ chỉ định phẫu thuật ví dụ như viêm thực quản nặng, khối thoát vị hoành lớn, xuất huyết, hẹp hoặc loét thực quản…

8. Khi nào bạn cần gặp bác sĩ tiêu hoá?

Khi có bất kỳ triệu chứng nào bất thường liên quan đến trào ngược dạ dày thực quản như trên, bạn không nên chủ quan, phớt lờ tình trạng bệnh hoặc tự ý sử dụng thuốc không đúng cách dẫn đến tình trạng trào ngược dạ dày thực quản kéo dài dai dẳng.

Bạn nên chủ động liên hệ với bác sĩ tiêu hóa để điều trị kịp thời, tránh các biến chứng có thể xảy ra do tình trạng này kéo dài.

Nội soi dạ dày tại Doctor Check
Chính xác hoặc Miễn Phí