1. Khó tiêu là gì?
Khó tiêu là cảm giác đau hoặc khó chịu ở phần thượng vị. Trong nhiều trường hợp, một số người còn sử dụng thuật ngữ khó tiêu khi họ gặp phải các triệu chứng khác như là chán ăn, đầy hơi, ăn nhanh no, đầy bụng sau ăn, đau hoặc nóng rát vùng bụng.
2. Nguyên nhân nào khiến bạn Khó tiêu?
Khó tiêu có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Thông thường, tình trạng này liên quan đến lối sống và có thể do thực phẩm, đồ uống hoặc thuốc gây nên. Một số yếu tố thúc đẩy gây ra triệu chứng này bao gồm:
- Ăn quá nhiều hoặc ăn quá nhanh.
- Tiêu thụ thực phẩm nhiều dầu mỡ, cay hoặc nhiều gia vị.
- Tiêu thụ thực phẩm có nhiều axit như trái cây họ cam quýt, cà chua, nước sốt cà chua, giấm,…
- Uống quá nhiều cà phê, rượu, đồ uống có ga.
- Hút thuốc lá.
- Căng thẳng hoặc lo lắng.
- Sử dụng một số loại thuốc như kháng sinh, thuốc giảm đau hoặc bổ sung sắt.
3. Khó tiêu là dấu hiệu của bệnh gì?
Bên cạnh yếu tố dinh dưỡng và lối sống, khó tiêu đôi khi là dấu hiệu của nhiều bệnh lý khác nhau, và phổ biến là ở các bệnh lý tiêu hóa, bao gồm:
- Hội chứng ruột kích thích (IBS)
- Viêm dạ dày.
- Loét dạ dày tá tràng.
- Bệnh Celiac (không dung nạp Gluten)
- Ung thư dạ dày
4. Làm sao để chẩn đoán chính xác bệnh lý nào làm bạn Khó tiêu?
Khám lâm sàng
Dựa vào những thông tin về tình trạng và tần suất đau bụng khó tiêu, các triệu chứng kèm theo, tiền sử bệnh của bệnh nhân, bác sĩ sẽ xác định tình trạng sức khỏe tổng quát và đưa ra chẩn đoán ban đầu. Sau đó, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết để xác định đúng nguyên nhân gây bệnh.
Xét nghiệm
Xét nghiệm máu giúp kiểm tra tình trạng xuất huyết tiêu hóa. Ngoài ra, các xét nghiệm hơi thở và phân giúp kiểm tra sự xuất hiện của vi khuẩn Hp gây viêm dạ dày và loét dạ dày – tá tràng.
Chẩn đoán hình ảnh
Các phương pháp như chụp X-quang hoặc CT có thể kiểm tra tình trạng tắc ruột và đánh giá các bất thường khác tại ống tiêu hóa, từ đó giúp xác định bệnh lý chính xác.
Nội soi dạ dày
Đây là tiêu chuẩn “vàng” để chẩn đoán các bệnh lý về ống tiêu hóa. Trong quá trình nội soi, bác sĩ có thể thực hiện sinh thiết để phân tích các dấu hiệu bất thường, hỗ trợ chẩn đoán ung thư.
5. Cách điều trị và phòng ngừa Khó tiêu?
Cách điều trị triệu chứng Khó tiêu
Phương pháp điều trị chứng khó tiêu sẽ khác nhau, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và nguyên nhân gây ra triệu chứng. Bạn có thể tham khảo các phương pháp điều trị được áp dụng bao gồm:
Thay đổi lối sống và thói quen ăn uống
- Hạn chế ăn thực phẩm gây đầy hơi: Hạn chế các thức ăn dễ gây đầy bụng như bông cải xanh, súp lơ trắng, mận, táo, lúa mì, đậu lăng,…
- Uống đủ nước: Duy trì uống đủ 1.5 – 2 lít nước mỗi ngày để hỗ trợ quá trình tiêu hóa diễn ra thuận lợi hơn.
- Chia chế độ ăn trong ngày thành nhiều bữa nhỏ: Ăn nhiều bữa nhỏ mỗi ngày giúp giảm tải áp lực trên dạ dày, giúp việc tiêu hóa dễ dàng hơn, giảm triệu chứng đầy hơi.
- Hạn chế thói quen ăn uống nuốt không khí: Không ăn quá nhanh, hạn chế nhai kẹo cao su, hạn chế đồ uống có gas,… để tránh hiện tượng đầy hơi.
- Sử dụng tinh dầu bạc hà: Việc sử dụng tinh dầu bạc hà được biết đến là có khả năng giảm nhẹ tình trạng đầy bụng, khó tiêu.
- Sử dụng gừng: Gừng là một loại bài thuốc dân gian có thể giúp cải thiện tình trạng khó tiêu và đầy bụng. Tuy nhiên không nên lạm dụng gừng vì có thể gặp tác dụng phụ như ợ nóng, nóng rát cổ họng,…
- Tập thể dục thường xuyên: Vận động thể chất nhẹ nhàng giúp loại bỏ khí trong dạ dày, giảm triệu chứng đầy hơi, cải thiện tiêu hóa.
- Hạn chế căng thẳng: Kiểm soát căng thẳng và lo lắng để làm dịu cảm giác khó chịu do đầy bụng, khó tiêu gây ra.
- Duy trì cân nặng hợp lý: Duy trì cân nặng hợp lý để tránh tạo áp lực cho dạ dày, có thể dẫn đến tình trạng trào ngược axit lên thực quản gây ra triệu chứng đầy hơi, khó tiêu.
Sử dụng thuốc điều trị
Nếu bị khó tiêu do bệnh lý tiêu hóa, Bác sĩ sẽ kê đơn thuốc điều trị bệnh lý phù hợp và thuốc giúp giảm chứng khó tiêu, như các loại thuốc kháng axit giúp trung hòa axit trong dạ dày, giảm nhanh các triệu chứng khó tiêu, thuốc chẹn H2 giúp làm giảm sản xuất axit dạ dày…
6. Khi nào bạn cần phải gặp bác sĩ tiêu hoá?
Khó tiêu là các triệu chứng khá phổ biến và gây ra nhiều khó chịu. Nếu bạn bị khó tiêu kéo dài, kèm theo đau bụng dữ dội và nhiều triệu chứng khác, bạn nên khẩn trương đi khám để được kiểm tra và chẩn đoán.
Các triệu chứng cảnh báo đi kèm với đầy bụng, khó tiêu mà bạn cần lưu ý: Khó nuốt, chán ăn, nôn liên tục hoặc nôn ra máu, đi ngoài phân đen, sụt cân không rõ nguyên nhân, mệt mỏi, suy nhược.
Nội soi dạ dày tại Doctor Check
Chính xác hoặc Miễn Phí
Mời bạn tham khảo chính sách CAM KẾT tại đây